Chúng ta đều biết rằng hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời, đó là một cánh cửa lớn, mở ra một cuộc sống hoàn toàn mới. Để có cuộc sống vợ chồng được viên mãn cần phải có nhiều yếu tố khác nhau, phải tạo dựng được đời sống văn hóa, đạo đức. Vợ chồng là một gia đình, là nền móng của xã hội cho nên cần phải xây dựng gia đình vững chắc thì mới được an vui, hạnh phúc.
Song song với việc nhận được những sự giáo dục của gia đình thì Phật giáo luôn chú trọng đến việc hoằng pháp, phật dạy về việc làm lành lánh dữ, về đạo đức, về cách tu tâm dưỡng tánh... Từ đó mỗi con người sống có ích cho xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh. Khi đã đến với nhau Phật tử có một nét văn hóa cưới hỏi hết sức ưu việt được gọi là Lễ Hằng Thuận. Đôi vợ chồng được chia sẻ những kinh nghiệm sống quý báu, thực hiện sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân. Người Phật tử tại gia qua đó hiểu rõ hơn về việc tu tập cũng như đóng góp công sức mình cho đạo pháp và đân tộc. Sau đây
Phát Hoàng Gia xin giới thiệu đôi nét về
Lễ Hằng Thuận trong văn hóa cưới hỏi của Phật tử.
Lễ Hằng Thuận được hiểu đơn giản là lễ cưới được tổ chức tại chùa theo nghi thức Phật Giáo, dưới sự chứng minh của đức Phật và chư tăng ni, phật tử, đặc biệt là sự chúc phúc của 2 bên gia đình cho đôi tân lang, tân nương. Hằng có nghĩa là vĩnh cửu, Thuận là thuận hòa, với ý nghĩa khuyên răn và cầu chúc cho các cặp đôi có được sự hòa thuận vĩnh cửu - gốc rễ xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Chính vì vậy đây không chỉ đơn thuần là một lễ cưới mà nghi lễ này còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, mang lại nguồn cảm hứng “sống đạo” cho các cặp đôi. Hơn nữa, lễ Hằng Thuận còn đem đến cho tất cả những ai tham dự nghi lễ này một luồng sinh khí tươi sáng lành mạnh và thánh thiện.
Buổi lễ có sự chứng minh của chư tôn đức; quý Phật đông đảo họ hàng, bạn bè hai bên. Trước sự cầu nguyện gia hộ của quý thầy và toàn thể đạo tràng, hai đôi bạn trẻ đã kết duyên vợ chồng. Cả đạo tràng cùng cầu chúc tân lang, tân nương.
Tổ chức lễ cưới tại chùa tạo điều kiện cho cô dâu và chú rể được đảnh lễ chư Phật, Quy y Tam Bảo, được chư tăng chứng minh hôn sự trong một bầu không khí trang nghiêm và thiêng liên nơi chánh điện, điều đó quả là một điều hạnh phúc to lớn. Đồng thời được Quý Thầy tận tâm hướng dẫn nhưng đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt...Trong buổi lễ còn có các nghi thức tạ ơn cha mẹ, giao bái phu thê. Hẳn nhiều bạn trẻ chưa một lần trong đời rửa tay, rửa chân, dâng trà hay lễ lạy cha mẹ. Hôm nay, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn đỉnh lễ công ơn sinh thành, dưỡng dục của song thân, sám hối những tội lỗi làm cha mẹ buồn lòng, cùng nhau nguyện trọn đời hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ hai bên; Phu thê đỉnh lễ thể hiện bình đẳng, tôn trọng người bạn đời, không coi khinh hay phụ bạc nhau, nguyện thủy chung, đồng cam cộng khổ.
Trọng tâm mà quý thầy thường chia sẻ với phật tử trong lễ Hằng Thuận hầu như đều xoay quanh nội dung bản kinh Thi Ca La Việt đức Phật đã dạy về bổn phận và trách nhiệm qua lại giữa người chồng và người vợ. Liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, để bảo đảm cho đời sống của gia đình phật tử được hạnh phúc bền vững, đức Phật đã ân cần chỉ dạy:
Người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ:
1. Phải biết tôn trọng vợ
2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ
3. Phải chung thủy, trung thành với vợ
4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý
5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện
Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng:
1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà
2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng
3. Phải luôn chung thủy với chồng.
4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà.
5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.
Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, qúy kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng Thuận đã toát lên.