Có thể nói, ở Việt Nam mùa nào cũng có Tết. Mùa xuân có Tết Nguyên Đán, rồi lại Tết Nguyên Tiêu, mùa hạ có tết Đoan Ngọ, mùa đông có tết Trùng Thập... Thế nhưng có lẽ cái tết được các em thiếu nhi mong đợi nhất đó chính là tết Trung Thu (hay còn gọi là tết trông Trăng hay tết Đoàn viên) , diễn ra vào tháng 8 âm lịch hằng năm. Nếu nhắc đến tết Nguyên Đán khiến người ta nhớ về ông đồ già và tờ giấy đỏ thì tết Trung Thu luôn gắn liền với hình ảnh của những chú lân, chú rồng đủ sắc màu nhảy múa trên đường phố Việt. Và người xây dựng nên hình ảnh đó không ai khác, chính là những nghệ nhân múa lân sư rồng.
Tới trung thu, lại nhớ về Lân Sư Rồng.
Tết Đoàn viên thì không thể thiếu bánh trung thu và những đoàn lân. Những đoàn lân rực rỡ sắc màu, tiếng trống múa lân làm rộn rã khắp phố phường, tạo nên một mùa trung thu với nhiều niềm vui. Thế nhưng, để có được niềm vui đó là biết bao mồ hôi, công sức tập luyện của những nghệ nhân múa lân sư rồng. Vậy nên, người ta thường bảo rằng những người múa lân được xem là người âm thầm tạo dựng cuộc vui!
Chấp nhận sự khó khăn, vất vả và thậm chí là rất nguy hiểm để có thể mang niềm vui đến cho mọi người và dịp lễ tết, đó là những gì mà những nghệ nhân múa lân đã âm thầm chịu đựng để cùng “sống với nghề, cháy với đam mê”. Cũng đã từng có người dèm pha, dành những lời không hay họ, cho rằng đây là nghề thấp kém, không đáng được tôn trọng nhưng tại sao chúng ta không cùng đặt câu hỏi, không có họ, liệu có còn tết Trung thu?